Thơ - Văn mới cập nhật
Xuân Thi
Cảm Tác Nỗi Lòng Lưu Dân
Cảm Ơn Cuộc đời
Chúc Mừng Năm Mới 2018
Dòng ĐỜI
Tâm Thiền
Chuông Ngân
Kính mừng Phật Đản
Anh không chết đâu em
Kiếp này
Thông tin bình chọn
Nhờ đâu bạn biết đến website Hoa Linh Thoại của chúng tôi ?
15:31, Friday.March 29 2024
Triết học Phật giáo
Con đường dẫn đến giác ngộ Đại thừa Khởi Tín Luận
Tác giả : MÃ MINH - Dịch & giải: Chân Hiền Tâm
Nhà xuất bản :
************************************************

Lời giới thiệu

Lời giới thiệu

Con đường Phật đạo dài lâu nghiêm tuấn, cũng kỳ khu khúc khuỷu, không kém nguy nan. Đi vào con đường này, hành giả phải trải qua những nhân duyên xa gần. Từ đó mở lòng đón nhận, xây dựng một niềm tin, không kể thời gian là bao lâu. Một niềm tin chân chánh vừa vặn vuông tròn. Niềm tin Phật đạo.

Lời đức Thế Tôn vẫn còn đó, trải qua ba vô số kiếp quên thân hành đạo mới có thể viên thành Phật đạo. Là người con Phật đã phát nguyện đi con đường Phật, từng chút vun bồi nguyện lực lớn dần, nỗ lực cùng các Pháp hữu nhịp nhàng tiến bước ; từng phút sống trong chánh pháp dồi mài tinh luyện, nghiên tầm giáo điển, một dạ chí thành vì sự tu tập cho mình, cho người. Có thế mới mong thu ngắn đoạn đường dài lâu vô kể.

Trên tinh thần đó, bản Đại Thừa Khởi Tín Luận này của Bồ tát Mã Minh được phật tử Chân Hiền Tâm chuyển dịch từ chữ Hán sang chữ Việt, cũng không ngoài mục đích dò theo dấu vết nghìn năm cũ của các bậc Bồ tát, tìm lại nơi chính mình mạng mạch sống chân thật muôn đời. Tuy phần dịch & giải chưa toát hết được lời Phật ý Tổ, song cũng là thiện chí và lòng nhiệt thành của một phật tử. Chúng tôi xin có đôi lời giới thiệu cùng độc giả. 

Kính ghi

Thiền viện Thường Chiếu, cuối Hạ 2548

Thích Nhật Quang

Thay lời tựa 

Luận ĐẠI THỪA KHỞI TÍN được Bồ tát Mã Minh làm vào khoảng 600 năm sau khi Phật nhập diệt, nhằm phá bỏ cái thấy thiên lệch của Tiểu thừa cũng như những định kiến sai lầm của Ngoại đạo. Ngày nay bộ luận không chỉ mang ý nghĩa ấy mà nó còn có giá trị tích cực đối với người tu Đại thừa. Giá trị ấy nằm ở chỗ : Ngoài phần thâm nghĩa được trình bày bao quát đầy đủ trong phần Lập Nghĩa và Giải Thích, còn có phần Phân Biệt Tướng Đạo Phát Tâm, là phần giúp người tu chúng ta phân biệt và xác định được vị trí cũng như mức độ tu hành của chính mình, tránh tình trạng lầm lẫn giữa LÝ và SỰ, giữa kiến giải với chỗ thực chứng, được ít cho là nhiều, chưa được mà tưởng được v.v…

Bản dịch đây được dịch từ bản Hán văn của ngài Hám Sơn. Vì muốn giữ nguyên phong cách cũng như ý nghĩa của chánh văn, tránh đưa ý mình vào lời của người xưa nhiều chừng nào tốt chừng nấy, nên tôi cố gắng dịch sao cho sát với văn từ chữ Hán. Sát quá thì lời văn không được chải chuốt. Bù lại, nó sẽ giúp độc giả có thể nghiền ngẫm trực tiếp lời dạy của bậc Cổ đức bằng tư duy của chính mình, không vì sự chải chuốt văn từ của dịch giả mà ý nghĩa của văn có khi thành sai lệch. Về phần giải thích, tôi có tham khảo 3 bản : Đại Thừa Khởi Tín Luận Nghĩa Ký của ngài Hiền Thủ. Đại Thừa Khởi Tín Luận Trực Giải của ngài Hám Sơn và Đại Thừa Khởi Tín Luận Giảng Ký của ngài Ấn Thuận. Song do cái nhìn có chỗ đồng khác nên phần trích dịch cũng như giải thích, tôi chỉ lấy bản sớ giải của ngài Hiền Thủ và Hám Sơn làm chỗ y cứ cho luận giải của mình. 

Cương Yếu Pháp Giới Duyên Khởi Tông Hoa Nghiêm” và bản họa đồ “Pháp giới nhất tâm�� đều được trích từ Đại Thừa Khởi Tín Luận Trực Giải của ngài Hám Sơn. Bản họa đồ là của pháp sư Quán Đĩnh tổng hợp nghĩa của toàn luận mà tạo thành, được cư sĩ Tào Hiển Tông hiệu chú thêm cho đầy đủ. Bản Việt văn là của Từ Mãn Nguyện. 

Tuy chủ đích của bộ luận là giúp người đời phát khởi niềm tin đối với Đại thừa, song vì là “Tổng nhiếp tất cả nghĩa lý sâu mầu vi diệu mà Như Lai đã nói”, chỗ sâu mầu ấy lại là chỗ ngôn từ không thể đến, chỉ do sự nhận hiểu của chúng sanh chưa thể rời ngôn từ mà chư Phật Tổ tạm mượn ngôn từ để hiển bày, nên phần nghĩa lý cũng có những chỗ không thể giải thích rõ ràng, cũng không thể phương tiện thấp hơn để dễ nhận hiểu. Song là bộ luận được làm cho người chưa có niềm tin đối với Đại thừa, nên nghĩa lý chung của toàn luận không phải là thứ khó hiểu một khi ta nắm được tinh thần tổng quát của nó. 

NGHĨA LÝ THÂM SÂU VI DIỆU mà Như Lai nói cũng chỉ là những gì mà các triết gia cũng như các nhà đạo học vẫn và đang tìm kiếm : Bản chất thật của cái gọi là thế gian, vũ trụ và con người đây là gì? Ta là ai và thế giới này từ đâu mà có? Cội nguồn chân thật của mọi hiện tượng và muôn loài sống trên thế gian này là gì? Triết gia tìm kiếm và dựng lập nó bằng chính những tri thức của mình. Mọi thứ đều quanh quẩn trong ngôn từ. Song cội nguồn ấy lại là thứ nằm ngoài ngôn từ. Ngôn từ chỉ là phương tiện tạm dùng của Như Lai để dẫn đường cho chúng sanh. Ngài ví chúng như ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay không phải là mặt trăng. Song nhờ ngón tay ta mới thấy được mặt trăng. Vì thế luận đây, ngoài phần giải thích nghĩa lý sâu mầu mà Như  Lai đã nói, còn có phần hướng dẫn tu hành. Phần tu hành này chính là cỗ xe đưa chúng ta trực nhận lại cội nguồn chân thật của vạn pháp. LẬP NGHĨA và GIẢI THÍCH là để ta nắm được những gì mà Như Lai đã nói. Song phải áp dụng những gì đã lập bày trong phần TU HÀNH TÍN TÂM, trải qua 3 giai đoạn trong phần PHÂN BIỆT TƯỚNG ĐẠO PHÁT TÂM, ta mới trở về được cội nguồn chân thật của chính mình.

CỘI NGUỒN ấy - kinh luận gọi là thật tướng hay thật tánh của vạn pháp - chính là TÂM THỂ mà tất cả chư Phật cùng chúng sanh đồng có. Tâm thể ấy không ngoài những thứ như suy nghĩ và những cảm giác vui, buồn, thương, ghét mà mình đang nhận là tâm mình đây, song nó không phải là những thứ ấy. Những thứ ấy chỉ là đầu não làm phát sinh vô vàn thế giới với vô vàn chủng loại sai biệt hiện nay. Luận lập TÂM CHÂN NHƯ là để chỉ cho cái cội nguồn chung cùng ấy, TÂM SANH DIỆT với 3 tế, 6 thô, 6 nhiễm là để chỉ cho quá trình hình thành phát sinh vô vàn thứ sai biệt ấy.

“Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Những thế giới mình thấy được như thế giới mình đang sống đây, hoặc những thế giới mình không thấy được như thế giới của ngạ quỉ, chư thiên v.v... Tất cả đều không ngoài tâm mà có, nên nói DUY TÂM. Vạn pháp với muôn hình vạn trạng biến đổi vô cùng vô tận của thế giới này đều do phân biệt - gọi là thức - mà ra, nên nói DUY THỨC. Những người bạn tốt, một cuộc sống ấm no hay một đời sống vô vàn khổ cực với một gia đình bất hạnh, một thế giới bình an hay đầy đau thương chiến tranh đều là chỗ hiện của tự tâm. Một niệm tâm thiện là cái nhân để có một cảnh giới thiện. Một niệm tâm bất thiện là cái nhân để có một cảnh giới bất thiện. Thiên đàng hay địa ngục đều không lìa tâm. Lý duy tâm, duy thức được hiển rõ trong toàn luận, nhất là trong phần SỞ KIẾN PHẬT THÂN ở phần II, mà sự HUÂN TẬP chính là nguyên nhân khiến chân thể thanh tịnh phát sinh thành cảnh giới chúng sanh, cũng là điều kiện để một chúng sanh có thể thành Phật. Đây là lý do vì sao nhà thiền dạy người “Phản quan tự kỷ bổn phận sự”. Có gì không từ tâm sanh mà không quay lại tâm mình?

Luận này đề cập đến chỗ sâu mầu của Phật pháp nên với đa số là điều khó tin, khó hiểu. Khó tin, khó hiểu vì chỗ sâu mầu ấy vượt ngoài suy nghĩ thường tình của người đời. Song cái mình không thấy không hẳn nó không có. Kinh Hoa Nghiêm nói “Mặt trời chiếu khắp nhưng người mù chẳng thấy. Chẳng thấy nhưng vẫn được lợi ích”. Cho nên, dù khó tin, khó hiểu thì ta có quyền thắc mắc, tìm hiểu nhưng không nên phỉ báng, chê bai. Vì chê bai là ta đang bít con đường dẫn đến chân lý của chính mình. Một khi chân lý đã bít thì khổ nạn không bao giờ chấm dứt. Không phải do mê chân lý ấy mà chúng sanh đang chịu vô vàn khổ não như hiện nay sao? Vì thế, trong phần cuối là LỢI ÍCH VÀ KHUYÊN TU, Tổ Mã Minh nói “Có chúng sanh nào đối với luận này sinh lòng hủy báng chẳng tin, sẽ bị tội báo qua vô lượng kiếp và chịu vô vàn khổ não. Cho nên, chúng sanh chỉ nên kính tin, chẳng nên hủy báng”. 

Chân Hiền Tâm

CƯƠNG YẾU

PHÁP GIỚI DUYÊN KHỞI TÔNG HOA NGHIÊM

Đại sư Hám Sơn Thích Đức Thanh

Trong bảy vị Tổ của tông Hoa Nghiêm, Mã Minh là Sơ Tổ. [1]  Song trong luận này chưa đề cập đến yếu chỉ VIÊN DUNG. Vì sao? Vì trước đây chưa có người biết về thuyết này, còn kẻ hậu học thì lại mù mờ chẳng thể phân biện, nên tôi hoàn toàn chẳng thêm ý nào. Lại, cổ nhân kiến lập tông chỉ đâu cần phải nói đầy đủ rõ ràng hết với người đời. Nên nay tôi chỉ lược nói về những chỗ then chốt để người biết tông chỉ của nó.

Tông Hoa Nghiêm viên giáo lấy nhất chân pháp giới gồm thâu BỐN PHÁP GIỚI. Y bốn pháp giới lập MƯỜI HUYỀN MÔN. Tuy là bốn giới mười huyền nhưng đều nhơn LỤC TƯỚNG mà lập. Vì thế lục tướng trở thành mấu chốt của VIÊN DUNG vô ngại. Luận này nói rõ toàn bộ lục tướng là bao quát hết lý thú của bốn giới, mười huyền. Vì lục tướng là giềng mối của VIÊN DUNG nên luận này nhiếp pháp giới vô tận vậy. Vì thế, đầu tiên nêu ra nhất tâm chân như là THỂ của “Đại tổng tướng pháp môn”.

Lại, luận này y cứ hàng trăm bộ Đại thừa mà làm ra, song trăm bộ Đại thừa là do hóa thân Phật kiến lập, tức thật là quyền. Nay luận này tổng nhiếp quyền thừa qui về một cái thật, chủ ý muốn hiển tức quyền là thật, dẫn qui về biển quả VIÊN DUNG tột cùng. Trong luận tuy chưa hiển rõ về ý chỉ VIÊN DUNG, song tam thừa, năm tánh, đốn tiệm, tu chứng đều gom về cội nguồn biển quả nhất tâm, mà công đức viên dung đầy đủ đều là sự vi diệu của nhất tâm. (Đã nói đầy đủ trong tông Hoa Nghiêm nên đây chẳng nói). Chỉ là nhiếp dẫn qui về biển tánh, nên trong luận, chỗ qui về đầu tiên là báo thân Phật, cho đến sở kiến của người đoạn hoặc cũng là báo thân Phật.

Nghĩa của luận đã nói đầy đủ nhiễm và tịnh - cùng đồng một chân - là tướng dụng của nhất tâm. Bởi nhất niệm làm duyên khởi cho nhiễm tịnh nên hoàn toàn giống như trong Hoa Nghiêm lấy “Pháp giới duyên khởi” làm tông, mà Thập nhị duyên sanh tức là Như Lai Phổ Quang Minh Trí. Thì biết, yếu chỉ nhập pháp giới của tông Hoa Nghiêm ắt hẳn lấy luận này làm cửa nhập pháp giới vậy.

LỤC TƯỚNG là các tướng tổng, biệt, đồng, dị, thành, hoại.

1. TƯỚNG TỔNG, chính là nhất tâm chân như, là thể của “Pháp giới đại tổng tướng pháp môn”.

2. TƯỚNG BIỆT, tức nhất tâm, 2 môn, 3 tế, 6 thô, 5 ý, 6 nhiễm, tu đoạn sai biệt.

3. TƯỚNG ĐỒNG, tức thánh, phàm, nhiễm, tịnh, nhân, quả, tánh, tướng đồng một chân như. Dụ như đồ gốm cùng đồng vi trần.

4. TƯỚNG DỊ, tức các pháp nhiễm tịnh, mỗi mỗi sai biệt, chẳng một chẳng khác. Dụ như các loại đồ gốm đều từ vi trần mà có, nhưng chẳng phải là một. 

5. TƯỚNG THÀNH, tức các pháp nhiễm tịnh, đều từ một niệm duyên khởi mà thành.

6. TƯỚNG HOẠI, tức các pháp nhiễm tịnh, mỗi thứ đều có vị trí của nó, nhưng mỗi mỗi không tánh, không thể tự dựng lập.

BỐN PHÁP GIỚI là lý pháp giới, sự pháp giới, lý sự vô ngại pháp giới, sự sự vô ngại pháp giới.

1. LÝ PHÁP GIỚI tức nhất tâm chân như không có pháp sai biệt, một chân lý toàn nhất.

2. SỰ PHÁP GIỚI là tất cả thánh, phàm, nhiễm, tịnh y nơi chánh nhân quả và các sự pháp sai biệt.

3. LÝ SỰ VÔ NGẠI PHÁP GIỚI, do LÝ SỰ ở trên cùng thành, cộng lại có 10 môn. Vì SỰ thấu LÝ thành nên toàn LÝ thành SƯï. Bởi LÝ thành SƯï nên toàn SƯï tức LÝ. Bởi LÝ hay thành SƯï, nên SƯï chẳng ngại LÝ mà hay hiển LÝ. Vì SỰ thấu LÝ thành, nên LÝ chẳng ngại SƯï mà hay dung SỰ. LÝ hay thành SỰ nên toàn SỰ tức LÝ. SƯï hay hiển LÝ nên toàn LÝ tức SƯï. Vì LÝ SỰ tương tức nên được LÝ SỰ dung hòa vô ngại. Trong Thập Môn của Pháp Giới Quán phân biệt rất là rõ rệt, đây chỉ lược nêu yếu chỉ của nó.

4. SỰ SỰ VÔ NGẠI PHÁP GIỚI, vì LÝ SỰ vô ngại, nay toàn LÝ thành SỰ nên bất tất lại nói lý của nó. Vì toàn SỰ toàn LÝ nên sự sự dung nhiếp, không chướng không ngại. Chỉ vì LỤC TƯỚNG thâu gom tất cả sự pháp thì pháp pháp viên dung nên thành 10 tầng huyền môn. Vì hiển bày đại dụng của pháp giới nên nghĩa của luận này hội lục tướng là đã nhiếp tông Viên Dung Cụ Đức sự sự vô ngại. Nghĩa của mười huyền môn đã nói đầy đủ trong Hoa Nghiêm Huyền Đàm. Nay chỉ kể tên.

MƯỜI HUYỀN MÔN

1. Đồng thời cụ túc tương ưng môn

2. Quảng hiệp tự tại vô ngại môn

3. Nhất đa tương dung bất đồng môn

4. Chư pháp tương tức tự tại môn

5. Ẩn mật liễu hiển câu thành môn

6. Vi tế tương dung an lập môn

7. Nhân đà la võng cảnh giới môn

8. Thác sự hiển pháp sanh giải môn

9. Thập thế cách pháp cộng thành môn

10. Chủ bạn viên dung cụ đức môn

11. Nghĩa của mười huyền môn này được nói rõ trong Pháp Giới Quán và Huyền Đàm.

Nguồn: thuvienhoasen

CÁC SÁCH KHÁC
•   Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng
•   Khái Luận Triết lý Kinh Hoa Nghiêm
•   Câu chuyện Triết học
•   Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học
•   Im lặng hố thẳm
•   Đại Cương Về Luận Câu Xá
•   Thành Duy Thức Luận
•   Đại Trí Độ Luận tập V
•   Đại Trí Độ Luận tập IV
•   Đại Trí Độ Luận tập III
Thư viện hình ảnh
Video
Hôm nay ta về đây CLB Hoa Linh Thoại tham gia hội trại hè 2011 Đại lễ cầu an cầu siêu cho các nạn nhân động đất sóng thần Nhật Bản Phật Đản ca - Ca sĩ Võ Thu Nga Cuộc hành trình du lịch tâm linh tại vương quốc Campuchia 2011
Blog mới cập nhật
Đại học Hoa Phạm Đài Loan - Mùa hoa Tuyết
Thầy ơi, con đã nhận ra Thầy rồi!
Nhớ thầy Truyền
Bây giờ tôi mới hiểu vì sao...
Hoa tháng Năm
Cổ phần công đức
Tôi mắc nợ ông Sáu
Đi tìm vũ khúc mùa hè
Mơ màng Phật dạy....
Lời thú tội của chị gái nhỏ nhen
Slide Powerpoint
Bài học cuộc sống Các ngôi chùa Việt Nam Lời Phật dạy Lời thì thầm của hoa Phật pháp Tổng hợp Vu Lan Báo Hiếu
CLB Hoa Linh Thoại
Bản quyền thuộc Website Hoalinhthoai.com © 2008 - 2024
Ghi rõ nguồn hoalinhthoai.com khi đăng tải lại thông tin từ website này